Microsoft đã làm dậy sóng thị trường công nghệ khi chi khủng vào vũ trụ Metaverse
Ngày:20/01/2022 lúc 18:49PM
Mục sở thị vào những năm 2010 là thập kỷ phát triển của các mạng xã hội, thập niên 2020 cho thấy ngành game ngày càng quan trọng.
Theo cây viết Will Oremus của Washington Post, sự kiện minh chứng cho nhận định này là việc Microsoft chi 70 tỷ USD để mua lại Activision Blizzard, hãng sở hữu nhiều dòng game nổi tiếng như Call of Duty, Warcraft, Starcraft hay Candy Crush.
Microsoft sẽ thành hãng game hàng đầu thế giới
Thỏa thuận với Activision Blizzard biến Microsoft, vốn đã sở hữu nền tảng Xbox và Minecraft, trở thành một trong những hãng game lớn nhất thế giới, nắm giữ trong tay hàng loạt thế giới ảo với hàng triệu người tham gia.
Thâu tóm Activision Blizzard, Microsoft đang cạnh tranh trực tiếp với Sony và Tencent trong ngành game. Ảnh: Minecraft.
Mặt khác, thương vụ này còn giúp gã khổng lồ công nghệ cạnh tranh trong vũ trụ ảo (metaverse), khái niệm được ví như “tương lai của Internet”, nếu có thể kết hợp với các sản phẩm sẵn có như LinkedIn, GitHub hay Azure, cây viết Will Oremus nhận định.
Ngược lại, theo Engadget, sự kiện này cũng đưa các tựa game của Activision Blizzard tiếp cận đến nhiều đối tượng game thủ hơn. “Các đầu game của Activision Blizzard sẽ xuất hiện trên đa dạng các nền tảng và hứa hẹn sẽ hỗ trợ các cộng đồng khác”, Phil Spencer, CEO Microsoft Gaming chia sẻ.
Vì thế, có thể nói thương vụ này không chỉ làm thay đổi những nội dung giải trí mà còn ảnh hưởng đến cách tương tác trực tuyến giữa người với người hiện nay.
Thị trường game định hình tương lai của Internet
Từ lâu game đã trở thành một nền công nghiệp khổng lồ. Những dòng thiết bị giải trí thay nhau thống trị thị trường, từ Nintendo vào thập kỷ 1990, PlayStation và Xbox vào đầu thế kỷ 20 cho đến trào lưu game mobile vào thập niên 2010.
Vài năm gần đây, sự bùng nổ công nghệ và những phát kiến sáng tạo đã mở ra một thế giới game đa dạng và phổ biến hơn bao giờ hết, với hàng trăm triệu người chơi game trên khắp thế giới. Không chỉ là các game cần đầu tư thời gian và công sức, sự phổ biến của smartphone cũng khiến nhiều loại game giết thời gian thu hút người chơi.
Microsoft tham vọng xây dựng một đế chế game đa dạng và rộng lớn, hỗ trợ trên mọi thiết bị, mọi nền tảng. Ảnh: U.S. Navy.
Mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng khiến thời gian dành cho không gian ảo của con người ngày một tăng. Theo Washington Post, với sự ra đời của ngày càng nhiều những tựa game nổi tiếng, thu hút giới trẻ, thị trường game đang dần trở thành yếu tố định hình cho tương lai của Internet.
Một nghiên cứu của Hiệp hội phần mềm giải trí (ESA) của Mỹ cho thấy 2/3 người trưởng thành và 3/4 trẻ em dưới 18 tuổi tại quốc gia này chơi game hàng tuần. Báo cáo tài chính vào quý 3 của Activision Blizzard cũng cho biết trên thế giới, mỗi tháng có gần 400 triệu người chơi các tựa game của công ty. Con số này lớn hơn rất nhiều so với các mạng xã hội như Twitter, WhatsApp.
Mặt khác, vấn đề còn nằm ở cách thức con người dành thời gian cho việc chơi game. Những tên tuổi lớn trong làng game như Fortnite, Roblox và World of Warcraft không chỉ là một thế giới ảo chỉ toàn cạnh tranh hay tiêu diệt những kẻ xấu, mà còn mang đến một môi trường để tiếp xúc, gặp gỡ bạn bè.
Fortnite còn mở những show âm nhạc với hàng triệu người tham gia. Roblox lại cho người chơi khả năng tự tạo ra thế giới game của riêng mình và mời bạn bè tham gia. World of Warcraft là game tiên phong cung cấp tính năng kết bạn, trò chuyện và cùng nhau làm việc ngay trong các guilds.
Nhiều game blockchain hướng tới xây dựng metaverse đang nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư lẫn người chơi. Ảnh: AnalyticsIndiaMag.
Washington Post cho rằng những tựa game này đã hình thành và quy định ngược lại những thói quen của người chơi trong thế giới thực. Hiện nay, giới trẻ chỉ thích trò chuyện, cùng nhau chơi game trên Discord hoặc Xbox Live thay vì Instagram hay Messenger như trước đây.
Còn những người dùng chưa đủ tuổi để sử dụng Facebook hay Instagram thì lại chọn cách giao tiếp trên Roblox, nền tảng trực tuyến phổ biến trong giới trẻ với 50 triệu người truy cập mỗi ngày, theo báo cáo vào tháng 11/2021 của hãng.
Tham vọng nắm giữ metaverse - “cơn sốt” mới của thế giới
Thế giới giải trí và các mối quan hệ xã hội tiệm cận với nhau chính là metaverse, điều mà các ông lớn công nghệ đang đua nhau phát triển. Metaverse có thể sẽ "dẫn đầu xu hướng đầu tư tiếp theo" trong lĩnh vực công nghệ, như nhận định của ngân hàng đầu tư danh tiếng Morgan Stanley.
“Game là lĩnh vực sôi động nhất trong các nền tảng giải trí hiện nay và sẽ đóng vai trò mấu chốt trong việc phát triển thế giới ảo metaverse”, Satya Nadella, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft chia sẻ trong buổi thỏa thuận với Activision Blizzard.
Mua lại Activision Blizzard, Microsoft không chỉ hướng đến ngành công nghiệp game mà xa hơn nữa là vũ trụ ảo metaverse. Ảnh: Microsoft.
Những người đứng đầu Facebook thậm chí còn tỏ ra sốt sắng hơn khi nhận thấy sự chuyển biến từ việc giao tiếp trên các trang mạng xã hội sang tương tác với bạn bè trên các không gian ảo. Do đó, ban lãnh đạo công ty này đã đổi tên Facebook thành Meta, thể hiện tham vọng hướng tới cõi metaverse.
Với tiềm năng như vậy, metaverse hứa hẹn sẽ trở thành một hệ sinh thái trực tuyến vô hạn, có mặt mọi lúc mọi nơi. Thậm chí, chỉ cần một thiết bị điện tử có sẵn kết nối Internet, người dùng sẽ bước vào một thế giới song song với những bản thể (avatar), hàng hóa kỹ thuật số (digital good) và tiền ảo (cryptocurrency).
Tuy nhiên, theo Washington Post, ở viễn cảnh trước mắt, metaverse vẫn chỉ mới ở thời kỳ “đồ đá” bởi đây đang là cuộc chơi phô diễn sức mạnh của những gã khổng lồ công nghệ nhằm thu lợi trong lĩnh vực trò chơi giải trí. Do đó, với thương vụ với Activision Blizzard, Microsoft đã khẳng định mình sẽ là người “đặt nền móng đầu tiên cho vũ trụ ảo metaverse”.
Giá cổ phiếu của Activision bất ngờ tăng vọt
Thông tin trên vừa được Microsoft chính thức công bố. Mức giá này tương đương với việc Microsoft sẽ trả 95 USD cho một cổ phiếu của Activision Blizzard, cao hơn nhiều so với mức giá 83 USD/cổ phiếu vào thời điểm thương vụ được công bố.
Giá cổ phiếu của Activision đã tăng thêm 27% sau khi Microsoft thông báo về thương vụ, còn giá cổ phiếu của Microsoft bị sụt giảm gần 1%.
Đây sẽ là thương vụ có giá trị lớn nhất từ trước đến nay của "gã khổng lồ phần mềm". Kỷ lục trước đây của hãng đó là khi Microsoft chi ra 26,2 tỷ USD để mua lại mạng xã hội chuyên gia LinkedIn vào năm 2016.
Activision Blizzard, hãng game có trụ sở tại thành phố Santa Monica (bang California, Mỹ), nổi tiếng với nhiều tựa game trên các nền tảng khác nhau, như Call of Duty, Diablo, World of WarCraft, StarCraft hay Candy Crush Saga… hiện hãng game này đang bị sa lầy vào nhiều vụ bê bối khi các nhân viên cũ cáo buộc về các hành vi sai trái và quấy rối tình dục của các giám đốc điều hành. Đầu tuần này, hàng chục giám đốc cao cấp của Activision đã bị sa thải sau một cuộc điều tra nội bộ.
Sau khi thương vụ với Microsoft kết thúc, CEO Bobby Kotick, người đang bị kêu gọi phải từ chức vì những vụ bê bối trong nội bộ công ty, vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ chức Giám đốc điều hành tại Activision Blizzard, nhưng nhiều khả năng Kotick sẽ rời bỏ vị trí của mình sau khi quá trình chuyển giao nhân sự giữa 2 công ty kết thúc.
Những năm qua, Microsoft trở nên tích cực hơn với lĩnh vực phát triển game. Năm 2014, hãng đã chi ra 2,5 tỷ USD để mua lại Mojang, nhà phát triển của tựa game Minecraft nổi tiếng. Vào năm ngoái, Microsoft cũng đã chi ra 7,5 tỷ USD để mua lại hãng phát triển trò chơi Bethesda.
Thương vụ thâu tóm Activision Blizzard cũng cho thấy tầm nhìn dài hạn của Microsoft để cạnh tranh với Meta (công ty mẹ của Facebook), nhằm tận dụng những công nghệ của Activision để xây dựng nên một vũ trụ ảo metaverse của riêng hãng. Trên thực tế, vài tháng trước khi Facebook quyết định đổi tên thành Meta và CEO Mark Zuckerberg của công ty thể hiện tham vọng xây dựng vũ trụ ảo metaverse, thì CEO Satya Nadella của Microsoft đã từng đề cập đến những giá trị của vũ trụ ảo metaverse.
Ngày nay, thế giới ảo đang được thống trị với những trò chơi, nhưng khi các "ông lớn công nghệ" đầu tư nghiêm túc hơn vào thị trường này, vũ trụ ảo sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho cuộc sống hàng ngày, phục vụ cho công việc và thay thế những hình thức giao tiếp truyền thống…
"Khi chúng tôi nghĩ về tầm nhìn của mình đối với tương lai của vũ trụ ảo metaverse, chúng tôi tin rằng sẽ không chỉ có một vũ trụ ảo metaverse tập trung duy nhất", CEO Satya Nadella chia sẻ sau khi thông báo về thương vụ trị giá 68,7 tỷ USD của Microsoft. Điều này đồng nghĩa với việc Nadella tin rằng mỗi hãng công nghệ có thể xây dựng một vũ trụ ảo cho riêng mình, thay vì chỉ một vũ trụ ảo tập trung, được điều khiển và chi phối bởi một công ty duy nhất.
Microsoft hy vọng thương vụ sẽ chính thức được hoàn tất vào năm tài khóa 2023, khi các cơ quan chức năng tại Mỹ chính thức thông qua thương vụ. Tuy nhiên, với những thương vụ có giá trị lớn như thế này, các cơ quan quản lý tại Mỹ sẽ giám sát một cách rất chặt chẽ và đánh giá kỹ càng để xem liệu thương vụ có làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường hay không. Nếu không được cơ quan chức năng chấp thuận, thương vụ trị giá gần 70 tỷ USD này vẫn sẽ bị đổ vỡ.
Cổ phiếu Sony 'bốc hơi' 20 tỉ USD sau tin Microsoft đạt thỏa thuận mua Activision Blizzard
Mặt khác, Activision Blizzard chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh 25% và đóng cửa ở mức 82,33 USD, tăng từ 65 USD của hôm 14.1. Nếu giao dịch thành công, Microsoft sẽ mua lại Activision Blizzard với giá cao hơn khi công ty trả với giá 95 USD/cổ phiếu. Activision Blizzard không phải là công ty duy nhất chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt khi giá của cả Nintendo và Konami đều tăng lần lượt là 2,51% và 3,25%.
Không bất ngờ khi Microsoft mua lại Activision Blizzard là một đòn giáng mạnh vào Sony, tuy nhiên các nhà phân tích dự đoán rằng việc giảm giá cổ phiếu là một phản ứng thái quá của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chơi game.